Khó khăn trong việc đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(Baothanhhoa.vn) – Năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) Lam Sơn, do Công ty CP Mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2013 – 2018 hơn 200 tỷ đồng.

Từ cơ sở ban đầu đó, hàng năm trung tâm đã sản xuất từ 2,5 – 3 triệu cây giống mía invitro, 30 nghìn cây hoa lan hồ điệp, 50 nghìn cây các loại hoa khác; 50 ha nhà lưới sản xuất rau, hoa quả theo công nghệ Isarel đã cho tổng sản lượng đạt gần 2.000 tấn rau quả bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn VietGAP. Những năm sau đó, công ty tiếp tục đầu tư sản xuất 200 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ điều khiển dinh dưỡng tự động.

Mô hình tiên phong về ứng dụng CNC của Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã mở ra hướng mới trong phát triển nông nghiệp CNC của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là dấu mốc để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC. Với kỳ vọng phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng CNC, những năm qua, cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa chú trọng đẩy mạnh thu hút, phát triển các doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp với chính quyền các địa phương tích tụ tập trung đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp CNC. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thực hiện và nhân rộng mô hình ứng dụng CNC. Nhờ đó, tỉnh ta đã thu hút được một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào phát triển nông nghiệp CNC trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông, Công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk, Công ty CP Nông sản Phú Gia…, với hàng trăm trang trại chăn nuôi, quy mô lớn được đầu tư chuồng trại khép kín, hiện đại; gần 300 ha sản xuất rau, quả được trồng trong nhà có mái che. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt gần 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc thu hút, phát triển doanh nghiệp ứng dụng CNC. Song, việc thu hút, phát triển doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC còn khá hạn chế. Trong số 790 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, thì có chưa đến 10% số doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Và trong số các doanh nghiệp hiện đang đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh chỉ có 6 doanh nghiệp có quy mô và vốn đầu tư lớn, còn lại là các doanh nghiệp có quy mô đầu tư nhỏ, lẻ, thiếu tập trung, mức độ áp dụng công nghệ thấp. Do đó, trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng và hình thành được nhiều khu sản xuất nông nghiệp CNC như kỳ vọng.

Theo phân tích, đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, nguyên nhân khiến việc thu hút, phát triển doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC còn hạn chế là bởi trên địa bàn tỉnh thiếu quỹ đất tập trung, thời gian để các doanh nghiệp thuê đất ngắn, trong khi vốn đầu tư lại khá lớn, tỷ lệ rủi ro trong quá trình sản xuất lại không hề nhỏ, khiến nhiều doanh nghiệp không muốn mạo hiểm đầu tư hoặc mở rộng quy mô sản xuất.

Chia sẻ về những khó khăn trên, anh Phạm Văn Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Alaka, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, cho biết: Để đầu tư 1 ha trồng rau, quả theo hướng CNC, yêu cầu nguồn vốn đầu tư tối thiểu từ 3 đến 5 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ rủi ro về thời tiết, thị trường tiêu thụ sản phẩm mà doanh nghiệp phải đối mặt lên tới 50 đến 60%. Bên cạnh đó, quá trình tích tụ đất đai quy mô lớn để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất còn gặp bất cập về nhận thức của người dân, hệ thống các văn bản pháp luật về đất đai, khiến thủ tục thuê, chuyển nhượng, góp đất sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp không yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để sản xuất. Ngoài ra, nhân lực, lao động có trình độ cao trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thiếu, khiến quy trình ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất gặp không ít cản trở, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thực hiện và phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, các sở, ngành cùng chính quyền các địa phương cần tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm phá bỏ những rào cản mà các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đang phải đối mặt. Trong đó, trọng tâm là quyết liệt thực hiện tích tụ tập trung đất đai, tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp và hộ dân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi và chính sách hỗ trợ.

LASUCO – ngày 07/05/2020

Nguồn: Hương Thơm – baothanhhoa.vn